Nhà cai trị xứ Khorasan Hợp Tán

Dưới thời A Lỗ Hồn

Sau khi lật độ Thiếp Cổ Điệt Nhi năm 1284, cha của Hợp Tán là A Lỗ Hồn được tôn lên làm Y Nhi Hãn, Hợp Tán lúc này mới có 11 tuổi được phong làm phó vương Khorasan. Cậu sau đó rời đến thủ phủ của Khorasan và không bao giờ gặp lại cha nữa. Êmia Tegene được bổ nhiệm làm nhiếp chính cho cậu nhưng Hợp Tán không ưa vị nhiếp chính này cho lắm. Vào năm 1289, Nawruz, một êmia trẻ thuộc bộ lạc Ngõa Lạt Mông Cổ có cha từng là một thống đốc dân sự ở Ba Tư ngay từ trước khi Húc Liệt Ngột tới, đã dấy binh tạo phản chống lại A Lỗ Hồn. Nhiếp chính của Hợp Tán là Tegene không may bị Nawruz bắt được vào ngày 20 tháng 4 năm 1289 và bị giam cầm. Khi Nawruz bị quân tăng viện của A Lỗ Hồn đánh bại vào năm 1290,[6] ông ta tháo chạy tới Hãn quốc Sát Hợp Đài xin nương nhờ tại trướng của Hãn Hải Đô, cháu nội của Đại Hãn Oa Khoát Đài. Hợp Tán đã phải dành mười năm tiếp đó để bảo vệ biên cương Hãn quốc Y Nhi khỏi các cuộc tấn công từ Hãn quốc Sát Hợp Đài.

Dưới thời Hải Hợp Đô

Khi phụ hãn A Lỗ Hồn qua đời vào năm 1291, Hợp Tán không thể tranh ngai vị thừa kế vì đang phải đối chọi với cả các cuộc đột kích của Nawruz từ Hãn quốc Sát Hợp Đài cũng như nạn đói và các cuộc khởi nghĩa ở Khorasan và Nishapur. Tướng Taghachar từng phò tá ba thế hệ Y Nhi Hãn trước đó có lẽ là kẻ chủ mưu đứng đằng sau cái chết của A Lỗ Hồn và ủng hộ chú của Hợp Tán là Hải Hợp Đô lên làm Y Nhi Hãn mới.[7] Tuy là đối thủ thời niên thiếu với nhau, nhưng Hải Hợp Đô vẫn gửi viện binh dưới sự chỉ huy của Hoàng tử Anbarchi (con của Mông Kha Thiếp Mộc Nhi) và các êmia Tuladai, Quncuqbal và El Temür đến hỗ trợ Hợp Tán chống lại các đợt tấn công của Narwuz. Hải Hợp Đô cũng đích thân đến Anatolia để dẹp loạn Turcoman. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi nạn đói, Hợp Tán không có đủ lương để nuôi binh sĩ và vì thế mà Hoàng tử Anbarchi phải rút quân về Azerbaijan. Hợp Tán sau đó đã đến Maragha để xin Hải Hợp Đô xuất binh hỗ trợ nhưng bị từ chối và phải quay về Khorasan. Khi quay về, Hợp Tán đã kết hôn với Khoát Khoát Chân, một công chúa Mông Cổ được Hốt Tất Liệt hứa gả cho A Lỗ Hồn. Khoát Khoát Chân đã đi theo một đoàn bộ hành bao gồm cả Marco Polo và hàng trăm người khác từ Trung Quốc để đến Ba Tư. Tuy nhiên, do khi đến nơi A Lỗ Hồn đã chết nên Khoát Khoát Chân đã lấy con trai ông là Hợp Tán làm chồng.[8]

Vào năm 1294, Hợp Tán khiến Nawruz phải đầu hàng tại Nishapur.[9] Hợp Tán không chỉ không hạ lệnh trừng phạt Nawruz, mà còn phong ông ta làm tướng. Hợp Tán trung thành với chú, nhưng không tán thành việc áp dụng tiền giấy tại địa bàn của mình và giải thích lý do ông từ chối là do khí hậu Khorasan quá ẩm nên không thể sử dụng tiền giấy được.[10]

Dưới thời Bái Đô

Vào năm 1295, quyền thần Taghachar cũng đồng đảng, những người có lẽ đã đứng sau cái chết của A Lỗ Hồn, cũng đã ám sát Hải Hợp Đô. Taghachar tôn em họ Hải Hợp Đô là Bái Đô lên làm Y Nhi Hãn mới để dễ bề kiểm soát. Bái Đô không có thực quyền, bị Taghachar cùng đồng bọn kiểm soát và lấn át, phân chia lãnh thổ Hãn quốc Y Nhi cho nhau. Nhận được tin về cái chết của Hải Hợp Đô, Hợp Tán xuất binh tới hỏi tội Bái Đô. Bái Đô trả lời là do Hợp Tán đã vắng mặt tại sự kiện dẫn đến cái chết của Hải Hợp Đô, nên các quý tốc không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tôn Bái Đô lên làm Y Nhi Hãn mới.[11] Êmia Nowruz khuyên Hợp Tán nên xử lý Bái Đô, vì ông ta chỉ là một vị Hãn bù nhìn, bị bọn quyền thần khống chế. Quân đội hai bên sau đó chạm trán ở ngoài thành Qazvin. Quân đội Bái Đô do em họ ông ta là Ildar, cùng các tướng khác là Eljidei và Chichak chỉ huy trong khi quân của Hợp Tán do Hoàng tử Sogai (con Yoshmut), Buralghi, Nowruz, Qutluqshah và Nurin Aqa chỉ huy. Hợp Tán tuy dành thắng lợi trận đầu nhưng buộc phải rút chỉ để Nowruz ở lại sau khi nhận ra toán quân mà Ildar chỉ huy chỉ là một phần nhỏ của một đội quân lớn hơn. Dù sao đi chăng nữa, ông vẫn bắt sống được Arslan, một hậu duệ của Jochi Qasar.[12]

Sau khi hai bên ngừng chiến, Bái Đô mời Hợp Tán làm đồng cai trị Hãn quốc Y Nhi còn Nowruz thì chức vị sahib-i divan như một động thái để đáp trả yêu sách mà Hợp Tán đưa ra nhằm đòi quyền thừa kế các vùng đất phong của cha ông ở Fars, Iraq và Kerman. Nowruz không đồng ý với những điều kiện này nên đã bị bắt. Theo một giai thoại, Nowruz đã hứa với Bái Đô là sẽ bắt trói Hợp Tán về giao nộp. Bái Đô đồng ý, tuy nhiên khi Nowruz quay về, ông ta cho mang một cái vạc đem giao nộp cho Bái Đô – một cách chơi chữ vì Ghazan đọc trại sang tiếng Đột Quyết sẽ là kazan, có nghĩa là cái vạc. Nowruz hứa là sẽ Hợp Tán đoạt lấy ngai vị với điều kiện là Hợp Tán phải cải sang đạo Hồi.[13] Hợp Tán chấp nhận và cải sang đạo Hồi vào ngày 16 tháng 1 năm 1295 bởi Ibrahim ibn Muhammad ibn al-Mu'ayyid ibn Hamaweyh al-Khurasani al-Juwayni.[14][15] Nowruz tiến vào thành Qazvin với chỉ 4.000 binh sĩ nhưng nói phao là còn có 120.000 quân (có nguồn nói là 30.000)[16] nữa do Ebügen chỉ huy (một hậu duệ của Jochi Qasar) đang trên đường tới Azerbaijan, gây ra sự hoảng loạn trong quần chúng, sau đó là sự đào tẩu của cấp dưới của Taghachar và các tiểu vương hùng mạnh khác như Qurumishi và Chupan vào ngày 28 tháng 8 năm 1295.

Nhận thấy nguy cơ, Bái Đô cho vời Taghachar yêu cầu ông ta giúp đỡ, bỏ mặc việc ông ta đã bỏ đi theo địch. Nhận ra Taghachar đã biến mất tăm, Bái Đô tháo chạy đến xin nương nhờ êmia Tukal ở Gruzia vào ngay 26 tháng 11 năm 1295. Tuy nhiên, ông bị bộ tướng của Hợp Tán bắt sống khi đang ở gần Nakhchivan và bị mang về Tabriz xử tử vào ngày 4 tháng 10 năm 1295.

Liên quan